Bài cảm nhận mừng sinh nhật lần 9 của tổng đài 1800 1090
Hình ảnh VMS trao giải cho các bạn tại MP HCM
Năm 2010, Đài chăm sóc khách hàng 18001090 của VMS mừng sinh nhật lần thứ 9 với hàng loạt cuộc thi, cuộc vận động đối với các Call Center và cuộc thi viết bài cảm nhận là một trong số đó. Hưởng ứng đợt vận động của Tổng hội HCM, các bạn điện thoại viên đã nhiệt liệt gửi bài tham gia, ngày 13/05 BTC đã có kết quả cuối cùng. Thật bất ngờ vì 02 vị trí cao nhất của cuộc thi đều thuộc về Minh Phúc.
Giải nhất thuộc về bài cảm nhận của bạn Nguyễn Vũ Hải Tuyền – Danh số 1202
NHỮNG BÀI HỌC ĐÁNG GIÁ
Bạn có bao giờ suy nghĩ đến một lúc nào đó mình sẽ thay đổi, thay đổi trong cách suy nghĩ , hành động và hơn hết là tính cách của chính bản thân mình?
Bạn có bao giờ nghĩ rằng môi trường làm việc, công việc của bạn đã trở thành một trường học đưa bạn vào đời, nơi đó có biết bao nhiêu là hỉ-nộ-ái-ố, những niềm vui bất tận và cũng không ít những nỗi buồn không diễn tả được?
Và tôi đã là người trong hoàn cảnh như thế.
Tôi vào nghề điện thoại viên đã hơn 3 năm. Lắm lúc nhìn thấy đoạn đường mình đã đi qua, tôi bỗng giật mình, không ngờ mình đã gắn bó với nghề lâu hơn tôi tưởng và hình như tôi đã trưởng thành lên rất nhiều.
Bạn có tin không? Trước khi bước vào nghề tôi là một con bé bốc đồng, nông nổi, tính rất nóng nảy. Còn nhớ ngày đầu tiên làm việc, tôi đã nhận ngay cuộc gọi của một khách hàng rất khó tính phản ánh về sóng rất dữ dội. Cuộc gọi càng kéo dài càng căng thẳng, tôi bắt đầu bực bội, chợt nghĩ: “Mình có làm gì đâu mà ổng lại chửi mình!”, mặt tôi nóng bừng lên và sẵn sàng đấu khẩu. Cũng may cô đồng nghiệp ngồi kế bên đã kịp ngăn tôi lại bằng một cái nắm tay đầy thông cảm, một cái vỗ vai rất nhẹ nhàng, cô ấy viết cho tôi mảnh giấy: “Giận quá mất khôn” để trên bàn tôi và tôi chợt biết lúc đó mình phải làm thế nào. Tôi để hold máy và hít thở thật sâu lấy lại tinh thần, khi quay lại cuộc gọi tôi đã có thể nói chuyện nhẹ nhàng hơn và kỳ diệu thay khách hàng đó tự dưng dịu giọng lại, a lê hấp, vậy là tôi đã chiến thắng! Cuối cuộc gọi ông ta còn cười nói rất vui vẻ.
Bài học đầu tiên của tôi là học cách kiềm chế cảm xúc và cách nguôi đi cơn giận.
Bài học thứ hai là tính kiên nhẫn…
Ca đêm đầu tiên trong đời, đêm đầu tiên không được nằm trên chiếc giường ấm áp quen thuộc mà phải ở trong Đài trực. Hôm đó tôi gặp một khách hàng phải nói là … (ai cũng biết đấy là ai!), các bạn khác rất sợ gặp người này vì ông nói rất nhiều mà không biết là bao giờ mới kết thúc câu chuyện. Không may cho tôi khi đó chị Trưởng ca đêm cũng đang có cuộc gọi nên tôi phải chịu trận với một câu chuyện dài bất hủ, dường như không có điểm dừng, xoay quanh chủ đề là góp ý cho mạng Mobifone. Cuộc gọi kéo dài gần 1 tiếng, khách hàng cứ thao thao bất tuyệt, còn tôi thì cố gắng ngồi lắng nghe, chốc chốc lại đáp lại: “Cám ơn ý kiến đóng góp của anh cho mạng Mobifone, em sẽ ghi nhận lại ý kiến của anh”. Cuối cùng ông ấy phán một câu: “Tôi phục cô rồi, người gì mà kiên nhẫn quá! Thôi được rồi, cám ơn cô, chào cô”. Cuộc gọi kết thúc một cách nhẹ nhàng.
Bài học thứ ba là học cách đứng lên khi gặp sự thất bại…
Đó là lần tôi bị khách hàng phàn nàn vì trả lời sai thông tin. Trưởng nhóm phụ trách yêu cầu tôi ký tên vào biên bản với lời giáo huấn gần 1 tiếng đồng hồ. Lúc đó tôi bị sốc kinh khủng, buồn và thất vọng.Tôi ra về với một tâm trạng hụt hẫng và áp lực, vừa tức lại vừa giận chính mình. Buổi tối hôm đó tôi không muốn làm gì cả, chỉ lên mạng lướt web, bất ngờ đọc được một câu chuyện ngắn với kết cục là một lời khuyên làm tôi nhớ mãi: ”Khi bạn gặp thất bại là lúc bạn học cách đứng lên”. Sáng hôm sau khi nghiệm ra được ý nghĩa của lời khuyên đó, tôi thấy mình thật khờ dại và quan trọng hóa vấn đề, tại sao cứ mãi buồn vì chuyện đã qua và tại sao không đi lên mà phải nhìn lại. Cuối cùng tôi đã đi làm với tâm trạng vô cùng thoải mái và vui vẻ.
Tôi ngày xưa là con bé rất nhợt nhạt về tình cảm, e dè trong giao tiếp nhưng không biết từ bao giờ tôi đã lột xác hoàn toàn. Những từ rất ư là đơn giản như “vui lòng”, “rất tiếc”, “cảm ơn” tưởng như rất xa lạ trong cuộc sống nhưng với tôi đó dường như là một thói quen không thể thiếu, trở thành câu nói đầu môi trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tôi tự hào vì mình đã thay đổi trong cách suy nghĩ và hành động, tôi tự tin vì cách giao tiếp, ứng xử của mình với mọi người.
Và còn biết bao nhiêu bài học tôi đã học được, đã trải nghiệm qua thực tế trên chính công việc của mình. Đã có biết bao nhiêu niềm vui nơi đây và cũng không ít những nỗi buồn, nhưng với tôi đó là những kinh nghiệm sống mà khi trải qua tôi mới thấy được giá trị cuộc sống là như thế nào?
Nghề điện thoại viên không đơn giản là trực điện thoại mà nhìn xa hơn nữa bạn sẽ thấy được cả một cuộc sống đầy màu sắc qua cái telephone đáng yêu. Bạn sẽ được tiếp xúc với rất nhiều người, học được nhiều thứ, tìm được không ít niềm vui và hơn hết là bạn sẽ nhìn thấy chính hình ảnh bạn trong đó.
Có thể đôi khi bạn sẽ cảm thấy chán nản, thất vọng và tôi dám chắc chắn rằng nhiều bạn điện thoại viên có ý định bỏ cuộc nhưng nếu bạn nhìn lại đoạn đường bạn đã đi qua, bạn sẽ thấy mình học được rất nhiều điều, đó cũng chính là kỹ năng sống của bạn…
Và bài học cuối cùng để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi là học cách cho và nhận. Đó là khi bạn cho ai một nụ cười, sẽ tìm thấy được niềm vui; cho ai sự tôn trọng, sẽ nhận được sự tôn trọng; khi làm việc với tất cả lòng nhiệt huyết của mình, bạn sẽ nhận được thành công.
Các bạn có đồng ý với quan điểm đó của tôi không?
Chính những trải nghiệm và tình cảm dành cho công việc tại Call Center đã giúp cho các bạn có được những suy nghĩ, những dòng cảm xúc bất tận… Hãy dành cho công việc thêm một chút tình cảm nhé các bạn!
MP Telecom