Công nghệ có thay thế công việc của tầng lướp trung lưu

Theo Mark Kobayashi-Hillary, tác giả bài viết này, công nghệ và tự động hóa có thể khiến nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu mất việc do năng lực của họ không thể thích ứng với tốc độ thay đổi chóng mặt của các công việc đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao.
Tuần trước, tôi đã có bài viết về sự phát triển thần tốc của các quốc gia như Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và điều này có tác động thế nào tới những nhân viên làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại các nước như Vương Quốc Anh. Tuần này, tôi muốn bàn sâu hơn về vấn đề này và đặt ra câu hỏi liệu rằng có phải hiện nay chúng ta đang trải qua thời kỳ
“Hủy diệt sáng tạo” cực đoan – học thuyết phát triển bởi nhà kinh tế học Joseph Schumpeter.
“Hủy diệt sáng tạo” là quan niệm cho rằng trước khi một hệ thống hoặc một quá trình được cải cách, nó sẽ trải qua một thời kỳ của những thay đổi nhanh chóng có tính hủy diệt – giống như thời kỳ chúng ta đang trải nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin vì sự suy thoái kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, hiện nay có phải chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên của những người nghèo mới – một bộ phận xã hội từng có công việc ổn định nhưng nay công việc đó đã bị thay thế bởi công nghệ và sự tự động hóa. Từ đó họ trở thành những người thất nghiệp.
Hãy nhìn lại lịch sử của tình trạng thất nghiệp trong những năm gần đây được phản ánh trên tờ Thời báo New York. Các nhà phê bình thường than vãn rằng nhiều công việc đã bị xuất khẩu sang các nước có nguồn nhân công rẻ hơn hoặc những người dân nhập cư cướp đi công việc của người dân bản địa. Những ý kiến này thường thu hút sự quan tâm của nhiều kênh truyền thông và dễ dàng trở thành những tiêu đề nóng hổi.
Một công việc trở nên lỗi thời do công nghệ thay đổi không còn là đề tài hấp dẫn và không khiến người ta còn rao quảng cáo trên phố. Nhưng hãy nhìn vào một vài con số ở Mỹ. 40% nhân viên môi giới du lịch bị sa thải. 50% người phụ trách vận hành máy in bị mất việc. Một nửa trong số các công nhân Mỹ bị thất nghiệp trong thời kỳ suy thoái đến nay vẫn không tìm được việc làm mới.

Công nghệ có thay thế công việc của tầng lướp trung lưu

Công nghệ có thay thế công việc của tầng lướp trung lưu

Trong nhiều trường hợp, lĩnh vực công nghệ thông tin phải chịu trách nhiệm cho sự hủy diệt sáng tạo tác động xấu tới các ngành khác. Hãy lấy một vài ví dụ. Truyền thông đang thay đổi chóng mặt vì các tờ báo truyền thống đang phải từ bỏ hình thức báo in và chuyển sang hình thức báo mạng với quy chế trả tiền trực tuyến.
Những người bán lẻ phải tìm cách thu hút khách hàng tới cửa hàng và cạnh tranh giá cả với các dịch vụ bán hàng trực tuyến. Với các công ty bất động sản, du lịch và tuyển dụng, tất cả đều trở nên dễ dàng hơn với hình thức trực tuyến và đang dần thay thế mạng lưới các chi nhánh trên toàn quốc.
Nhiều ngành như ngân hàng cũng có thể trở thành một nhánh của công nghệ thông tin vì nếu không có ngành công nghệ thông tin thì không có ngân hàng. Những người làm về công nghệ thông tin thậm chí đặt ra câu hỏi tại sao họ lại bỏ lỡ khoản lợi nhuận do các nhân viên ngân hàng mang lại trong những năm kinh tế phát đạt.
Câu hỏi đặt ra cho rất nhiều người là liệu tình trạng thất nghiệp này sẽ còn đi tới đâu, liệu những người đang mất việc còn có khả năng tìm được một công việc mới?
Internet đã tạo ra một cơ chế phân phối mới cho phép các công ty có thể tìm kiếm những nhân viên giỏi ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Những người di cư trình độ cao có khả năng đáp ứng các yêu cầu của hệ thống nhập cư theo điểm trên toàn cầu. Để có một công việc, chúng ta đang thực sự phải cạnh tranh ở mức độ toàn cầu và nhận được rất ít sự cảm thông từ người sử dụng lao động.
Các sinh viên đại học sắp gia nhập thị trường lao động trong một vài năm tới sinh ra vào những năm 1990. Điều này có nghĩa là các sinh viên tốt nghiệp đang tham gia vào lực lượng lao động mà không có bất cứ hồi ức nào về khoảng thời gian khi cuộc sống chưa có Internet và điện thoại di động. Họ thực sự là một thế hệ kết nối. Tuy nhiên, họ sẽ vượt xa những người lao động thuộc thế hệ trước ở mức độ nào?
Thật không may, tôi có thể nhìn thấy một câu trả lời không hề đơn giản. Billy Bragg – một nhà sáng tác nhạc đồng thời là ca sỹ người Anh từng hát: “Khi 21 tuổi, bạn đứng đầu trong số những người thất nghiệp. Khi 16 tuổi, bạn đứng đầu lớp…” Billy đang bình luận về sự khó khăn trong cuộc sống của những người trung lưu ở Anh trong những năm 1980 và tình trạng thiếu cơ hội phát triển cho những người trẻ tuổi.
Ai có thể ngờ rằng những lời tương tự đang trở nên đúng với những người thuộc tầng lớp trung lưu từng có trình độ học vấn cao, nhưng giờ đây đang bị thất nghiệp do không thể theo kịp những thay đổi chóng mặt trong yêu cầu công việc? Bằng cấp cũng chỉ là một mảnh giấy nếu công việc của bạn không còn tồn tại.
Mark Kobayashi-Hillary là tác giả của cuốn sách “Ai lấy mất công việc của tôi” và “Dịch vụ toàn cầu”. Ông là giảng viên tại trường ĐH Ngân hàng Nam London.

Source: By Mark Kobayashi-Hillary – http://www.silicon.com

Biên dịch: hieuhtm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

1900 585853